Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của

Ngành Y tế huyện Thới Bình  như sau:

 

Trước ngày 02/9/1959 huyện Thới Bình sống trong chiến tranh ác liệt, chưa có cán bộ và tổ chức y tế hoạt động. Để xây dựng Ngành Y tế huyện Thới Bình, ngày 02/9/1959 Ban Dân Y Cà Mau chọn và đưa chú Y tá Trần Thanh Cần (tức Hai Thanh) về công tác tại huyện Thới Bình, đây là người cán bộ Y tế đầu tiên của huyện.

Đến đầu năm 1960, Ban Dân Y Cà Mau tăng cường thêm cô đỡ Phạm Thị Diệu, chỉ có 02 cán bộ y tế phục vụ sức khỏe cho nhân dân trong huyện lúc này là quá ít, để chủ động đào tạo cán bộ y tế, được sự cho phép của Ban Dân Y Cà Mau, huyện tổ chức mở 02 lớp đào tạo cán bộ đó là: Lớp Cấp cứu tải thương có 06 người và lớp phụ sinh có 07 người, do chú Trần Thanh Cần và cô Phạm Thị Diệu trực tiếp giảng dạy.

Gần cuối năm 1960, huyện tổ chức thêm 01 lớp cứu thương có 11 người, lực lượng này là cán bộ y tế nồng cốt cho các Trạm Y tế xã sau này.

Ngày 19/5/1961, nhân ngày sinh nhật lần thứ 71 của Bác, tổ chức bộ máy của Ban Dân, Quân Y Thới Bình chính thức thành lập.        

Năm 1964 ban Dân, Quân Y Thới Bình tách thành hai hệ thống:

1. Ban Quân Y: Đ/c Lâm Văn Minh (Hai Minh) làm Trưởng ban, nhiệm  vụ chủ yếu phục vụ cho chiến trường.

2. Ban Dân Y: Đ/c Lê Văn Tường làm Trưởng ban, đơn vị có 10 cán bộ, nhiệm vụ chủ yếu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho hệ dân chính.

Ban Dân Y xây dựng trạm xá, có 10 giường bệnh.

Song song với sự phát triển và lớn lên của Ngành Y tế huyện, các Trạm Y tế xã cũng được hình thành. Năm 1967có 6/6 xã có Trạm Y tế hoạt động.    

Trong chiến tranh, Ngành Y tế Thới Bình hoạt động vất vã, chỗ ở phải dời đi nhiều nơi, cán bộ Ngành Y tế vừa làm công tác chuyên môn vừa phải đi thu thuế nông nghiệp, đặc biệt là phải tham gia lao động sản xuất lương thực, cải thiện đời sống.

Đến năm 1973, Ban Dân Y tỉnh Cà Mau tăng cường Bác sỹ Lê Tấn Sỹ về công tác tại huyện Thới Bình, đây là người Bác sỹ đầu tiên của huyện.

Từ khi bắt đầu hình thành đến 30/4/1975, Ngành Y tế Thới Bình có những bước tiến liên tục và vững chắc, lập nhiều chiến công, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc và bọn tay sai. Và cũng không ít những người trong ngành y tế đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.                                       

Những đồng chí hoạt động trong chiến tranh, các cô, các chú, các anh, các chị đã không tiếc máu xương và tính mạng của mình để xây dựng và phát triển Ngành Y tế Thới Bình ngày càng lớn mạnh, đặt nền móng, niềm tin cho Ngành Y tế Thới Bình vững bước vào việc thực hiện nhiệm vụ mới trong giai đoạn tiếp theo của cách mạng Việt Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ban Dân Y huyện tiếp quản y tế của chế độ cũ để lại tại thị trấn Thới Bình, cơ sở vật chất, dụng cụ, trang thiết bị chẳng có là bao nhiêu, Ban Dân Y lúc bấy giờ có 19 đ/c, 01 Bác sỹ.

Ngày 01/01/2006 Trung tâm Y tế Thới Bình tách ra thành 3 đơn vị mới: Phòng Y tế; Trung tâm Y tế Dự phòng (nay là TTYT) và Bệnh viên đa khoa huyện Thới Bình.

 Đến tháng 01/2015 Trung tâm Y tế Thới Bình được thành lập theo Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của UBND tỉnh Cà Mau, trên cơ sở sát nhập 03 đơn vị: Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số - KHHGĐ và Bệnh viện đa khoa huyện, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2015.

Từ khi thống nhất đất nước đến nay, Ngành Y tế Thới Bình lớn mạnh không ngừng, cả về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Hiện nay Ngành Y tế Thới Bình có: Phòng Y tế, Trung tâm Y tế và 12 Trạm Y tế xã, thị trấn, 104 tổ y tế ấp, có 12/12 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chỉ mới. Tổng số cán bộ y tế của huyện là 277 người, trong đó 30 người có trình độ sau đại học, 51 người có trình độ đại học, 02 người có trình độ cao đẳng, số cán bộ còn lại đa số có trình độ trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ. Đội ngũ cán bộ hiện nay có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về chuyên môn kỹ thuật, giàu nghị lực và lòng nhân ái, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có 92 cơ sở Y Dược tư nhân hoạt động trong đó :

Hành nghề Dược: 66.

          Hành nghề Y:  26.

          Trãi qua các giai đoạn cách mạng, Ngành Y tế huyện Thới Bình không ngừng củng cố và phát triển. Các thế hệ cán bộ y tế của Thới Bình đã thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền” luôn luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sống và hoạt động trong điều kiện chiến tranh cũng như trong giai đoạn xây dựng đất nước. Ngành y tế Thới Bình luôn chủ động tìm những biện pháp, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, vừa tranh thủ sự giúp đỡ, lãnh chỉ đạo của cấp trên, vừa phát huy nội lực để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình và từng bước hoàn thiện theo hướng phát triển của đất nước.

Những người cán bộ y tế đi trước có sự cống hiến cho cách mạng, cho ngành vô cùng lớn lao và quý báu, sự hy sinh vô bờ bến, vượt mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng ngành và phục vụ sức khỏe nhân dân, thế hệ y tế chúng ta ngày nay nguyện học tập và noi gương  những người đi trước.

Nhờ sự đóng góp to lớn của cá nhân, tập thể của ngành, những năm qua đơn vị đón nhận những phần thưởng cao quý của UBND tỉnh và Chính phủ, Nhà Nước trao tặng.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ngành Y tế huyện Thới Bình đã 2 lần vinh dự đón nhận “Huy chương giải phóng hạng nhì” do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam phong tặng, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc.

Đặc biệt, ngày 25/11/2003 Ngành Y tế Thới Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng “Huân chương lao động hạng ba”.

…….

Ngành Y tế huyện Thới Bình trãi qua thời gian hình thành, phát triển lớn mạnh được như ngày hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm như sau:

Thường xuyên quán triệt nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách, Pháp luật của Nhà nước, kiên định lập trường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, đưa Nghị quyết của Đảng các cấp vào chương trình hành động của ngành, luôn kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tăng cường vai trò của cán bộ, viên chức trong công tác lãnh đạo cũng như các hoạt động của ngành, phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức đoàn thể.

Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, thông qua hệ thống pháp luật và các văn bản pháp quy của ngành.

 Luôn giữ vững được mối đoàn kết nhất trí nội bộ, phát huy quyền làm chủ của tập thể, của cán bộ, viên chức trên nguyên tắc tập trung dân chủ để thu hút và phát huy hết mọi nguồn lực.

Tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền và các ngành, các cấp trên.

Chủ động quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ trước mắt và lâu dài theo yêu cầu của ngành đặt ra, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tự lực, tự cường, trình độ lý luận, chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ. Thường xuyên phát động phong trào thi đua, tạo động lực thúc đẩy để thực hiện các mặt công tác của ngành.

- Tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, viên chức học tập, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế của ngành, quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống của ngành.

- Luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, viên chức, thực hiện đúng và kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước ban hành, tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi, giúp cán bộ, viên chức an tâm công tác và học tập.

- Xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật, quy chế của ngành, đồng thời, kết hợp với các biện pháp tuyên truyền giáo dục, giúp đỡ để những người có thiếu sót sớm được sửa chữa.

 Có chiến lược phát triển bền vững và lâu dài sự nghiệp y tế huyện nhà, dựa trên chiến lược y tế của Ngành, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoach cụ thể, rõ ràng, có ước tính nhân lực, kinh phí, thời gian thực hiện và người chịu trách nhiệm.

- Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa kịp thời những cơ sở vật chất và mua sắm thêm dụng cụ, trang thiết bị.

- Trong thực hiện kế hoạch luôn gắn với kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết, phát huy kịp thời những cá nhân và đơn vị làm tốt, hiệu quả để điển hình và nhân rộng.

Từ khi được thành lập đến nay, ngành Y tế Thới Bình luôn kế thừa truyền thống bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần nổ lực phấn đấu vượt khó khăn gian khổ, để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Sự thành công đó là nhờ sự quan lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền và Sở Y tế Cà Mau, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, nhiệt tình của các ban ngành, đoàn thể và sự đồng tình tham gia, hưởng ứng của đông đảo nhân dân trong huyện. Khuyến khích và động viên cán bộ Ngành Y tế Thới Bình vượt mọi khó khăn trở ngại, từng bước xây dựng, củng cố và phát triển ngành đảm bảo được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà./.